Sắc màu văn hóa người Mạ ở Đắk Nông
Với niềm đam mê, tâm huyết với văn hóa truyền thống, những nghệ nhân, người con dân tộc Mạ ở Đắk Nông vẫn ngày đêm lưu giữ cho con cháu đời sau những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
"Cây âm nhạc" người Mạ
Ở độ tuổi gần 80, khi mà đôi mắt đã mờ dần, đôi chân đã mỏi, nhưng thanh âm phát ra từ nhạc cụ m’buốt của nghệ nhân H’Grao, bon B’Dơng, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong vẫn không ngừng vang lên trong không gian núi rừng cao nguyên đại ngàn.
Vừa mân mê các nhạc cụ âm nhạc trên tay, nghệ nhân H’Grao vừa tâm sự, ngay từ khi còn nhỏ, âm nhạc của người Mạ đã luôn hiện hữu trong đời sống của bà. Chỉ vào m’buốt, bà cho biết nhạc cụ này thường được dùng để ru con ngủ. Tiếng m’buốt đã len vào giấc ngủ của bà H’Grao và những đứa trẻ người Mạ từ nhiều đời nay.
Nghệ nhân H’Grao bắt đầu học sử dụng các loại nhạc cụ âm nhạc của người Mạ từ cha của mình khi mới 10 tuổi. Đến nay, nghệ nhân H’Grao có thể chơi thành thục nhiều nhạc cụ của người Mạ như m’buốt, t’ron, t’rông, chiêng... Bà H’Grao cho biết, thổi m’buốt là khó nhất vì cần bộ hơi khỏe. Đàn ông thổi đã khó nên với phụ nữ còn khó hơn nhiều. Nhờ chăm chỉ tập luyện, tiếng m’buốt của nghệ nhân H’Grao được giới nghệ nhân đánh giá cao. Không những vậy, bà còn hát thành thục gần 100 bài dân ca của dân tộc Mạ.
Nhờ hát hay, chơi nhạc cụ giỏi nên bà H’Grao được mời tham gia biểu diễn ở nhiều nơi, cả trong và ngoài tỉnh. Trong nhà bà treo nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2019, bà H’Grao được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
Người lưu giữ không gian Mạ
Nằm trên tuyến du lịch “Thanh âm từ Trái đất”, Nhà triển lãm nhạc cụ truyền thống của người Mạ ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa là không gian chứa đựng văn hóa truyền thống của người Mạ. Công trình là điểm số 39 trong hệ thống các điểm di sản thuộc Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông.
Anh K’Tông, hướng dẫn viên tại đây cho biết, với diện tích rộng hơn 200m², Nhà triển lãm nhạc cụ truyền thống của người Mạ trưng bày nhiều vật dụng, nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Mạ ở Đắk Nông.
Các vật dụng, nhạc cụ được sắp xếp thành 5 nhóm chính gồm: khu trưng bày chóe cổ; khu cồng chiêng; tù và, kèn bầu và các nhạc cụ truyền thống khác; khu trưng bày các vật dụng trong đời sống hàng ngày như gùi, rổ, rá, thổ cẩm và các trang phục truyền thống.
Ở khu vực khuôn viên, Ban quản lý đã mô phỏng, tái dựng một ngôi nhà truyền thống của người Mạ nhằm giới thiệu cho du khách khắp nơi về cuộc sống của người dân tộc Mạ trên quê hương Đắk Nông.
Cũng tại Nhà triển lãm nhạc cụ truyền thống của người Mạ, các thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Đắk Nia thực hành và đưa du khách trải nghiệm các bước làm nên một tấm thổ cẩm đẹp của người Mạ. Công cụ dệt thổ cẩm của người Mạ đơn giản bao gồm khung quay sợi và khung dệt. Nguyên liệu dùng để dệt là những sợi được tạo ra từ bông vải do người dân tự trồng trên rẫy. Màu nhuộm vải được tạo ra từ lá cây, quả và vỏ cây rừng. Tùy theo mục đích sử dụng, người Mạ dùng những loại vỏ, lá cây để tạo ra các màu khác nhau.
Anh K’Tông cho hay, là người dân tộc Mạ, ngay từ khi còn nhỏ anh có niềm đam mê đặc biệt với các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Với mong muốn kế thừa, lưu giữ và phát huy những giá trị đặc sắc trong văn hóa dân tộc Mạ, anh đã cùng với người dân tại địa phương đi thu thập, sưu tầm từ nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh các nhạc cụ, vật dụng liên quan tới văn hóa dân tộc mình rồi lưu giữ tại nhà triển lãm.
Hiện nay, tại nhà triển lãm đang trưng bày khoảng 200 vật dụng, nhạc cụ của dân tộc Mạ. Với sự quan tâm của chính quyền, Nhà triển lãm nhạc cụ truyền thống của người Mạ ngày nay được xây dựng khang trang. Điều này góp phần lưu giữ, lan tỏa và bảo tồn văn hóa cồng chiêng của người Mạ trên địa bàn xã Đắk Nia nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung.
Đắk Nông hiện có 40 dân tộc cùng chung sống. Trong đó, dân tộc thiểu số tại chỗ M’nông, Mạ, Ê đê chiếm khoảng 10,37%.
Dân tộc Mạ hay còn gọi là Châu Mạ là dân tộc thiểu số tại chỗ cư trú lâu đời ở khu vực Tây Nguyên. Dân tộc Mạ sống tập trung chủ yếu ở huyện Đắk Glong và TP. Gia Nghĩa... Dân tộc Mạ với một nền văn hóa mang bản sắc riêng đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên nền văn hóa đa dạng, đặc sắc của mảnh đất Đắk Nông.
Nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đắk Nông nói chung và dân tộc Mạ nói riêng, thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, giải pháp. Tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực trong đời sống cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ Mạ tiêu biểu như lễ cúng thần rừng, lễ cúng bến nước, lễ cúng thần đá,…; hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác dệt thổ cẩm, nấu rượu cần… Đặc biệt, năm 2024, lễ cúng thần rừng (Yang Brê) của người Mạ, tại TP. Gia Nghĩa và huyện Đắk Glong được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
]]>
Nhận xét
Đăng nhận xét