Bác sĩ quân y gần 10 năm chữa bệnh, cứu người ở vùng biên giới ở Đắk Nông
Nhiều năm qua, Thiếu tá, bác sĩ Lê Văn Tuấn, phụ trách Bệnh xá Quân dân y, Trung đoàn 726 (Binh đoàn 16), xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) là thầy thuốc tin cậy của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Người bác sĩ tin cậy chốn biên cương
Hơn 10h sáng, tại Bệnh xá Quân dân y Trung đoàn 726, đâu đó vang lên tiếng cảm ơn của bệnh nhân. Khám bệnh, lấy thuốc, gương mặt của những bệnh nhân ra về trở nên phấn chấn hơn. Biết rõ bệnh tình của mình và tin rằng được điều trị đúng cách, điều này từ lâu đã trở thành niềm an ủi của người dân vùng biên giới Quảng Trực.
Đến phòng siêu âm, chúng tôi được gặp Thiếu tá, bác sĩ Lê Văn Tuấn đang khám cho một bệnh nhân nam vừa bị tai nạn giao thông. Người bác sĩ tuổi trung niên này đang chậm rãi giải thích tình trạng của bệnh nhân. Không chỉ khám những vết thương trên cơ thể, bác sĩ Tuấn còn phát hiện tình trạng gan nhiễm mỡ đáng báo động của nam bệnh nhân. Với lời lẽ chân thành, bác sĩ khuyên bệnh nhân sau khi điều trị xong phải năng nổ tập thể dục, cải thiện tình trạng gan của mình…
“Lâu nay, bà con ốm đau không tìm thầy cúng trừ bệnh nữa, mà đến bệnh xá để các bác sĩ chữa cho nhanh khỏi. Gần 10 năm rồi, tôi đau ốm là đến gặp bác sĩ Tuấn khám và xin thuốc thôi”, anh Điểu Dắk ở bon Đắk Huýt, xã Quảng Trực chia sẻ.
Mặt trời gần đứng bóng, tiếp chúng tôi bằng ly chè xanh trồng bên cạnh bệnh xá, bác sĩ Tuấn kể về cơ duyên đến với vùng đất này. Từ nhỏ, anh đã có trong mình tình yêu nghề khi cha mẹ đều làm nghề bác sĩ.
Tốt nghiệp Học viện Quân y tại Hà Nội, trải qua nhiều năm công tác tại các đơn vị, vừa giỏi chuyên môn, vừa tận tụy, nhiệt tình nên bệnh tình của nhiều người dân được bác sĩ Tuấn nhanh chóng điều trị, không phải chuyển lên tuyến trên. Bác sĩ Tuấn cũng như bệnh xá đã dần trở thành nơi đến tin cậy của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây khi ốm đau, bệnh tật.
Thiếu tá, bác sĩ Lê Văn Tuấn cho biết, năm 2007, bệnh xá bắt đầu thực hiện công tác khám, chữa bệnh. Ban đầu, đơn vị chỉ phục vụ cán bộ, chiến sĩ, công nhân và người lao động trong vùng Dự án Kinh tế – Quốc phòng của Trung đoàn 726. Cuối năm 2010, bệnh xá được đổi tên thành Bệnh xá Quân dân y Trung đoàn 726, phục vụ thêm khám, cấp cứu, điều trị cho người dân trong khu vực biên giới mà Trung đoàn 726 đóng quân.
Hiện nay, bệnh xá đã được đầu tư nâng cấp tương đương bệnh viện tuyến huyện theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, với đầy đủ các phòng chức năng, phòng điều trị nội trú. Các trang thiết bị hiện đại phục vụ người dân như máy chụp X-quang, máy siêu âm, máy điện tim, máy xét nghiệm máu…
Cán bộ, y, bác sĩ đơn vị luôn có tinh thần cầu thị, học tập nâng cao năng lực chuyên môn. Nhờ đó, công tác khám, chữa bệnh luôn đạt chất lượng cao, ngày càng được nhiều người dân tin tưởng tìm đến.
Góp phần xóa bỏ hủ tục
Gần 10 năm gắn bó với vùng biên giới, với đồng bào các dân tộc thiểu số, bác sĩ Tuấn nhiều lần chứng kiến hậu quả của những hủ tục lạc hậu liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Anh kể, trước đây, đồng bào chăn nuôi gia súc, gia cầm sát nhà gây mất vệ sinh. Bên cạnh đó, tập tục canh tác nương rẫy sát rừng, ngủ lại không mắc màn (mùng) nên bà con thường hay bị muỗi chích, bị bệnh sốt rét triền miên.
Khi dịch bệnh sốt rét hoành hành mà bà con chỉ tin vào thầy cúng hay sự kỳ thị khi quyết liệt đuổi những người mắc bệnh phong, bệnh lao ra khỏi cộng đồng… Những tập tục này ăn sâu, bám rễ vào đời sống, nếp nghĩ nên việc thay đổi khó khăn, vất vả.
Bác sĩ Tuấn kể lại, có lần, một người trong bon bị ốm sốt nhưng lại đến già làng nhờ cúng và chữa trị. Đến khi bị nặng quá, được anh đến vận động khám và cho thuốc điều trị mới hết bệnh. Từ đó, gia đình và già làng khi ốm đau đều đến bệnh xá.
Từ những bệnh nhân đầu tiên được chữa khỏi mà không cần thuốc lá, không tốn gà heo mời thầy cúng, dân làng đã bắt đầu thay đổi nhận thức. Người làng ốm đau đã đến tìm gặp bác sĩ nhờ cậy. Công tác tuyên truyền phòng bệnh thông qua đó cũng được bà con tin tưởng làm theo.
Hay có trường hợp, khi chồng đưa vợ đến bệnh xá sinh gặp lúc nữ hộ sinh nghỉ, lại không muốn cho bác sĩ nam đỡ đẻ. Anh phải nhờ một nữ điều dưỡng vào sắp xếp phòng. Sau đó bố trí một nam bác sĩ chuyên khoa "lén" đi từ cửa sau vào đỡ đẻ. Lúc ấy, tỷ lệ thai phụ người đồng bào sinh đẻ tại nhà cao do quan niệm "không cho người khác thấy của mình”.
Điều này dẫn đến nguy hiểm cho sức khỏe mẹ và con do điều kiện vệ sinh y tế không bảo đảm. Nhiều cháu bé sinh ra bị nhiễm trùng dây rốn. Do vậy, anh và đồng nghiệp tích cực tuyên truyền, giải thích rõ cho người dân cần đưa thai phụ đến các cơ sở y tế để sinh đẻ.
Những tháng năm công tác tại đây, anh cùng với các ban ngành địa phương đi khắp các bon xa, làng gần tuyên truyền cho bà con ăn chín, uống sôi, tối ngủ phải mắc màn. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, anh thường đến từng thôn, bon thăm hỏi sức khỏe người già, trẻ nhỏ; tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh, sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt để phòng ngừa bệnh tật; khi ốm đau cần phải đến cơ sở y tế điều trị; trẻ nhỏ cần được tiêm vắc xin phòng bệnh; phụ nữ mang thai cần được chăm sóc, theo dõi thai kỳ...
Tự học hỏi, trau dồi, bác sĩ Tuấn có thể nói tiếng Mông, tiếng Thái, Mường, M’nông… Khi khám bệnh, nhiều lúc giao tiếp bằng tiếng đồng bào tạo sự gần gũi và hiểu được bệnh nhân hơn. Nhiều mùa mưa nắng đã đi qua, bác sĩ Tuấn vẫn lặng lẽ gieo những hạt mầm hi vọng, niềm tin yêu và tương lai tốt đẹp cho những bệnh nhân nghèo nơi biên cương.
Ông Điểu Toi, bon Bu P'răng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức tâm sự: “Nhờ có bác sĩ Tuấn và các bác sĩ của bệnh xá, của trạm y tế, đồng bào M’nông mình cũng dần quên đi và không còn tin vào việc bị bệnh do bùa ngải, ma lai, thần linh bắt tội, trừng phạt...”
Đánh giá về sự tận tâm của bác sĩ Tuấn, Trung tá Đỗ Văn Tráng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 726 cho biết: "Đồng chí Tuấn được giao phụ trách Bệnh xá Quân dân y Trung đoàn 726. Từ năm 2015 đến nay, bác sĩ Tuấn trực tiếp khám và điều trị miễn phí cho hàng ngàn lượt người dân. Bệnh xá còn cùng y tế xã và Trung tâm Y tế huyện thực hiện tốt công tác phòng chống dịch. Bác sĩ Tuấn còn tham mưu rất tốt cho đơn vị trong công tác quân y, bảo đảm hiệu quả, an toàn, tiết kiệm. Hiện bác sĩ Tuấn là người có uy tín rất cao trong đồng bào các dân tộc nơi đây, góp phần thắt chặt hơn nữa tình quân dân nơi biên giới. Nhiều năm qua, bác sĩ Tuấn là gương điển hình tiên tiến và là chiến sĩ thi đua trong đơn vị.”
Anh có công lớn khi dùng kiến thức y học của mình để vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại các bon làng nơi đây xóa bỏ hủ tục. Với anh, những tiếng cảm ơn chân thành của bà con đồng bào nơi đây là “gia tài” quý báu, càng thấy công việc trở nên ý nghĩa hơn. Anh đến với người dân, người bệnh ở đây bằng cả tấm lòng nên được bà con vô cùng tin yêu. Mọi truân chuyên lẫn ngọt ngào của bác sĩ Tuấn và các y, bác sĩ nơi đây đều gắn chặt với khát vọng cứu chữa và chăm sóc sức khỏe cho người dân.
]]>
Nhận xét
Đăng nhận xét