Nguồn lao động - Nhân tố thúc đẩy thu hút nhà đầu tư tại Đắk Nông
Đắk Nông có lợi thế nguồn nhân lực trẻ, nhu cầu việc làm lớn và đây được xem là "lực hút" đối với các nhà đầu tư.
Nhu cầu việc làm lớn
Công ty Cổ phần Auto Bình Phước Chi nhánh Đắk Nông (TP. Gia Nghĩa) hiện có khoảng 62 cán bộ quản lý và người lao động đang làm việc.
Trong số này có khoảng 50 lao động là người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Đắk Nông. Nhờ môi trường làm việc hiện đại và thu nhập tương đối ổn định, người lao động đều yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp, thay vì đi làm ở các thành phố lớn như bạn bè, anh Trương Ngọc Sơn (công nhân sơn) xin vào Công ty Cổ phần Auto Bình Phước Chi nhánh Đắk Nông.
Công việc đúng với ngành nghề được đào tạo, thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng nên anh Sơn động viên thêm một số bạn học cũ vào công ty làm cùng.
Anh Trương Ngọc Sơn chia sẻ: “Trong thời gian học nghề tại Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông tôi đã có cơ hội vào công ty thực tập nên đã hình dung được công việc mình sẽ làm sau khi ra trường. Thời gian làm việc tại đây, được tiếp cận với những máy móc tiên tiến, hiện đại và có thu nhập ổn định nên tôi càng yên tâm gắn bó với công ty”.
Thông tin về lực lượng lao động đang làm việc tại đơn vị, ông Nguyễn Bá Hoàng, Quản lý Công ty Cổ phần Auto Bình Phước Chi nhánh Đắk Nông cho biết, trong số hơn 50 người lao động có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Đắk Nông, có nhiều người từng là sinh viên của Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông và Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam.
Ông Hoàng đánh giá, người lao động tỉnh Đắk Nông những năm qua được đào tạo bài bản, có kiến thức và kỹ năng tốt. Trong thời gian tới, dự báo thị trường ô tô sẽ tiếp tục phát triển tại Đắk Nông. Chính vì thế, nhu cầu tuyển dụng lao động liên quan đến ngành nghề cũng sẽ nhiều hơn.
“Không chỉ công ty mà nhiều đơn vị khác cũng có kế hoạch mở rộng thị trường kinh doanh. Chúng tôi sẽ rất cần những lao động được đào tạo, có kỹ năng tay nghề, nhất là những lao động địa phương để các bạn có cơ hội làm việc, phát triển ngay trên mảnh đất quê hương mình. Có thể thấy, chủ trương tuyển dụng người lao động địa phương vào làm việc không chỉ là vấn đề giải quyết việc làm mà còn mang lại lợi ích cho cả đơn vị sử dụng lao động”, ông Hoàng cho hay.
Trình độ người lao động ngày càng nâng cao
Bên cạnh nguồn lao động phổ thông, nhân lực có trình độ chuyên môn cũng là một yếu tố giúp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Đắk Nông.
Trong những năm gần đây, số lượng người lao động được đào tạo ngày càng nhiều, từng bước đáp ứng được yêu cầu hoạt động của các doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Anh Mai Anh Đăng đã có 2 năm gắn bó với Nhà máy điện gió Đắk Hòa, xã Đắk Hòa, huyện Đắk Song. Được làm việc ngay tại quê nhà, thuận tiện cho việc chăm sóc gia đình với mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng nên anh rất hài lòng với công việc hiện tại.
Anh Đăng cho biết, sau khi tốt nghiệp ngành Điện, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, anh đã làm tại nhiều doanh nghiệp khác nhau trong cả nước.
Năm 2021, biết tin Nhà máy Điện gió Đắk Hòa tuyển dụng lao động có chuyên môn về điện, anh đã ứng tuyển và trở thành nhân viên của nhà máy.
“Công việc hàng ngày của tôi chủ yếu thao tác trên máy tính. Làm việc tại đây, tôi và các nhân viên khác được đơn vị sử dụng lao động bảo đảm các chế độ, quyền lợi theo quy định. Đặc biệt, trong thời gian làm việc, chúng tôi có cơ hội được học tập, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn thông qua các khóa đào tạo, đợt tập huấn”, anh Đăng nói thêm.
Ông Hồ Văn Hải, Phó trạm Nhà máy Điện gió Đắk Hòa cho biết, trong số nhân viên đang làm việc tại đơn vị, có 10 nhân viên là người địa phương.
Đây đều là những lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên và được cấp các chứng chỉ kỹ thuật trước khi được tuyển dụng vào nhà máy làm việc.
Cũng theo ông Hải, trong quá trình làm việc, người lao động thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận với những tiêu chuẩn khắt khe của ngành nghề. Đặc biệt, người lao động có năng lực tốt còn được công ty tạo điều kiện học tập để sắp xếp vào những vị trí quan trọng hơn trong nhà máy.
“Khi đầu tư vào tỉnh Đắk Nông, doanh nghiệp đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Trung ương tới địa phương. Trong quá trình hoạt động, ngoài lợi thế về điều kiện tự nhiên thì nguồn lao động có trình độ cũng là một thuận lợi, góp phần bảo đảm cho nhà máy được vận hành liên tục, thông suốt”, ông Hải nói thêm.
Có thể thấy, lao động, nguồn nhân lực là một trong những yếu tố để thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh Đắk Nông. Việc tuyển dụng người lao động tại chỗ vào làm việc là lợi thế, giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển bền vững.
Trong thời gian tới, bên cạnh yêu cầu đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh thì công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần được các sở, ngành, địa phương quan tâm thực hiện.
Đây cũng là nội dung được cụ thể hóa tại Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII của tỉnh, với mục tiêu đào tạo nghề cho trên 20.000 người theo hướng có trình độ, chất lượng và tay nghề cao và tạo việc làm mới cho 90.000 lượt lao động giai đoạn 2020-2025.
]]>
Nhận xét
Đăng nhận xét