Chuyển đổi số báo chí-xuất bản: Cần giải bài toán nhân lực và kinh tế
Theo các chuyên gia, nhà quản lý, một trong những thách thức đặt ra cho chuyển đổi số báo chí, xuất bản hiện nay là phải thay đổi tư duy, nhận thức về vai trò của chuyển đổi số, đầu tư phát triển nguồn nhân lực số, cũng như tìm được mô hình kinh doanh, mô hình thu nhập mới phù hợp với phương thức sản xuất và phát hành nội dung trên không gian số.
Sáng 30/11, tại Thái Bình, Báo Nhân Dân, Tỉnh ủy Thái Bình, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn”.
Tỷ lệ chuyển đổi số thành công cao hơn 30-50% nếu lãnh đạo am hiểu, quyết tâm
Phát biểu ý kiến tham luận tại hội thảo, GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đề cập một số vấn đề thực tiễn đang đặt ra với ngành báo chí-xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số, trong đó nhấn mạnh vấn đề về nhân lực trong chuyển đổi số, công chúng xã hội tiếp nhận thông tin số.
GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu ý kiến tham luận. (Ảnh: NHẬT QUANG) |
GS, TS Tạ Ngọc Tấn nêu rõ, các đơn vị muốn làm truyền thông số giỏi thì vai trò của người lãnh đạo am hiểu, nhận thức chuyển đổi số là vô cùng quan trọng.
Chia sẻ bên lề hội thảo về vấn đề nêu trên, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho rằng, trở ngại lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số là chậm thay đổi tư duy từ lãnh đạo, quản lý đến phóng viên, biên tập viên. Nếu người lãnh đạo quyết liệt chuyển đổi số sẽ dẫn dắt toàn bộ cả tòa soạn cùng chuyển đổi theo.
“Cơ quan báo chí nào có người lãnh đạo am hiểu chuyển đổi số thì tỷ lệ thành công cao hơn các cơ quan khác 30-50%. Trên thế giới, có một số cơ quan báo chí đã tạo ra đại sứ chuyển đổi số trong tòa soạn, làm hạt nhân lan tỏa đến mọi ngóc ngách trong tòa soạn”, ông Lê Quốc Minh nói.
Theo ông, chừng nào chưa thay đổi tư duy, người lãnh đạo chưa quyết tâm thì việc chuyển đổi số rất khó khăn.
Bàn về nhân lực báo chí, xuất bản số, PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh thách thức lớn nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên làm công tác đào tạo báo chí, xuất bản theo kịp xu hướng, chuyển đổi nhanh, chắc chắn, thực hiện được nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, đồng thời hội nhập với quốc tế.
PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh vai trò của đào tạo nhân lực số trong bối cảnh hiện nay. (Ảnh: NHẬT QUANG) |
Bà Giang cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo, Học viện thường xuyên mời các nhà báo, các nhà quản lý báo chí, các cơ quan báo chí có những bước phát triển báo chí hiện đại, chuyển đổi số thành công về giảng dạy, chia sẻ với học viên, nghiên cứu sinh, cán bộ lãnh đạo, giảng viên trong cơ sở.
Học viện cũng triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ với việc tạo ra hệ thống dữ liệu học tập online, thư viện online, kết nối toàn bộ thư viện của hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thư viện số của các trường đại học trên cả nước; triển khai dự án học viện thông minh…
Chuyển đổi số báo chí cần gắn với giải pháp đa dạng hóa nguồn thu
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm là hiệu quả kinh tế, giải pháp tạo nguồn thu trong chuyển đổi số hoạt động báo chí, xuất bản. Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, việc thu phí người dùng trên nền tảng digital được coi là yếu tố tiên quyết trong chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện không ít tòa soạn e ngại thu phí đọc và cho rằng độc giả không bỏ tiền mua các tác phẩm báo chí.
Ông Minh cho rằng, thay vì tư duy này, các tòa soạn nên suy nghĩ cách tạo ra sản phẩm riêng biệt để độc giả bỏ tiền mua. Sản phẩm không cần phải quá đắt đỏ. Chúng ta phải nhận thức được việc chuyển đổi số liên quan việc đa dạng hóa nguồn thu của các cơ quan báo chí.
“Với báo chí truyền thống, ngoài nguồn thu từ bán báo, quảng cáo… trong quá trình chuyển đổi số, chúng ta còn nhiều cách thức thu tiền từ độc giả khác. Nguồn thu từ độc giả mới chính là nguồn thu bền vững của báo chí trong tương lai”, ông Minh nhấn mạnh.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đồng chủ trì hội thảo. (Ảnh: NHẬT QUANG) |
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đề cập một nguy cơ nữa với báo chí trong quá trình chuyển đổi số, đó là nguy cơ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ cướp đi độc giả của báo chí.
Hiện lượng độc giả đến từ công cụ tìm kiếm chiếm khoảng 50% lượng truy cập các website. Khi việc ứng dụng công nghệ AI trả lời câu hỏi người dùng trở nên phổ biến, độc giả không đọc báo chí nữa thì nguy cơ mất 50% độc giả rất cao và các tòa soạn sẽ mất luôn nguồn quảng cáo.
Cũng trăn trở về vấn đề hiệu quả kinh tế, PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản cho biết, số lượng xuất bản phẩm điện tử nhiều nhưng bán rất khó, vì nếu không xuất bản trên nền tảng xuất bản điện tử, đưa lên web thì chỉ chừng 3 tiếng sau là bản lậu tràn ngập trên mạng.
Do đó, ông Tuấn đề nghị các cơ quan quản lý xây dựng nền tảng xuất bản dùng chung cho các cơ quan, đơn vị xuất bản, bởi việc xây dựng, vận hành, bảo trì nền tảng rất tốn kém, trong khi tiền thu được từ sản phẩm số cực kỳ khiêm tốn.
Theo ông, việc đầu tư xây dựng nền tảng dữ liệu chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản gặp nhiều thách thức, dẫn thí dụ Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã xây dựng sàn sách online với tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng, nhưng phải chi thêm khoảng 1,5 tỷ đồng để duy trì hệ thống hằng năm. “Không biết phải bán được bao nhiêu bản sách mới có kinh phí để duy trì được sàn sách online này”, ông Tuấn băn khoăn.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: NHẬT QUANG) |
Theo Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, một vấn đề thách thức trong chuyển đổi số ở các tòa soạn là phải tìm mô hình kinh doanh, mô hình thu nhập mới phù hợp với phương thức sản xuất và phát hành nội dung trên không gian số.
“Khi chuyển từ báo in sang báo điện tử, người đọc mất thói quen là trả tiền để mua báo. Mọi người khi đọc tin trên mạng sẽ phải xem quảng cáo khiến người xem có trải nghiệm khó chịu và quảng cáo cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khác”, ông Lâm nói.
Vì thế, trong quá trình chuyển đổi số, các cơ quan báo chí-xuất bản phải tìm kiếm một mô hình kinh doanh mà những tệp người dùng khác nhau sẵn sàng chấp nhận trả phí xem một phần hoặc toàn phần nội dung báo chí.
“Việc đọc sách bây giờ không chỉ là mua sách mà là mua xuất bản phẩm, mua dịch vụ, nên người dùng sẵn sàng có 2 cách, một là mua cả sách giấy về đọc hoặc sẵn sàng trả tiền để có tài khoản đọc sách trên thư viện số và đọc theo số trang mình muốn. Hiện nay, các đơn vị sách điện tử đang nghĩ tới mô hình kinh doanh như vậy không bắt người đọc phải trả tiền cả cuốn mà đọc bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Đó cũng là một cách tìm kiếm mô hình kinh doanh”, ông Lâm chia sẻ.
Đại biểu trao đổi tại hội thảo. (Ảnh: NHẬT QUANG) |
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu, diễn giả đã tập trung phân tích, làm rõ cơ sở lý luận của chuyển đổi số báo chí, xuất bản trong tình hình hiện nay. Các ý kiến tham luận đều khẳng định, chuyển đổi số đã và đang trở thành xu thế không thể đảo ngược và là bước đi quan trọng để thực hiện nền kinh tế số và xã hội số, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi tổ chức, cá nhân, mỗi lĩnh vực, ngành nghề cơ hội phát triển và bứt phá chưa từng có, trong đó có báo chí, xuất bản.
Một số ý kiến phát biểu, tham luận cũng chỉ ra những thách thức, khó khăn, bất cập trong chuyển đổi số báo chí, xuất bản và nguyên nhân, đồng thời khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục thực hiện chuyển đổi số một cách kiên trì, thực chất trong lĩnh vực báo chí, xuất bản thời gian tới, đưa báo chí, xuất bản nước nhà bắt kịp xu thế chung của thời đại và ngày càng hoạt động chuyên nghiệp, chất lượng, tiệm cận trình độ khu vực và quốc tế.
Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh một số giải pháp nhằm đẩy mạnh, tăng cường chuyển đổi số báo chí, xuất bản ở nước ta trong thời gian tới.
Cụ thể, nâng cao nhận thức cán bộ quản lý thông tin, truyền thông; lãnh đạo, nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cán bộ làm công tác xuất bản của các cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương đến địa phương về vai trò, tầm quan trọng và sự cấp thiết phải đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số báo chí, xuất bản.
PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tổng kết hội thảo. (Ảnh: NHẬT QUANG) |
Cùng với đó, rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản, chuyển đổi số báo chí, xuất bản và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số của các cơ quan báo chí, xuất bản, tạo hành lang pháp lý phù hợp cho các sản phẩm số của báo chí, xuất bản.
Đồng thời, phát triển các sản phẩm báo chí số, xuất bản số chất lượng cao cả về nội dung lẫn hình thức, nâng cao hiệu quả trải nghiệm của người dân; sáng tạo các mô hình sản phẩm báo chí, xuất bản mới trên các nền tảng khác nhau nhằm tăng độ tương tác với công chúng.
Đặc biệt, cần chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số báo chí, xuất bản; xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực báo chí, xuất bản gắn với chuyển đổi số trong các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, đào tạo nghề.
]]>
Nhận xét
Đăng nhận xét